Khi bắt đầu xây dựng thương hiệu và phát triển chiến lược nội dung, Content Pillar là một trong những phần không thể thiếu. Một Content Pillar rõ ràng và hiệu quả sẽ giúp người đọc có được kiến thức toàn diện và đầy đủ về một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, dù khái niệm Content Pillar đã xuất hiện được một thời gian, nhưng không phải nhà sáng tạo nội dung hay doanh nghiệp nào cũng hiểu tường tận và vận dụng hiệu quả công cụ này. Content Pillar là gì? Cần những yếu tố nào để xây dựng Content Pillar hiệu quả?… Hãy cùng Marhub tìm hiểu ngay sau đây.
Làm quen với khái niệm Content Pillar
Đầu tiên, hãy cùng giải mã khái niệm này để có kiến thức nền tảng trước khi bắt tay vào xây dựng Content Pillar.
Định nghĩa về Content Pillar hiện nay rất đa dạng và có thể khiến bạn hoang mang. Tuy nhiên, hầu hết các định nghĩa đều có điểm chung và có thể hiểu đơn giản rằng: Content Pillar (hay còn gọi là trụ cột nội dung) tổng hợp tất cả các nội dung trong chiến lược được triển khai trên các nền tảng Website, Social Media…
Để dễ hiểu hơn, nếu coi chiến lược nội dung là một cái cây, thì Big Idea chính là gốc rễ quyết định “sự sống” của chiến lược, còn Content Pillar là thân cây với các nhánh, cành nhỏ hơn phân chia nội dung thành các phần được phân phối trên các kênh. Content Pillar sẽ giúp việc triển khai các ngách nội dung chuyên sâu và đồng nhất hơn.
Ví dụ như đối với Marhub, content trên Website của Marhub được chia thành các mục nhỏ có nội dung bài viết tương đồng như mục Thiết kế, Digital Marketing và Content Marketing.
Việc phân loại nội dung như trên sẽ giúp Website được sắp xếp khoa học hơn và giúp người dùng dễ dàng tiếp cận với nội dung mà họ muốn tìm hiểu. Đặc biệt, Content Pillar hiệu quả sẽ giúp Website của bạn được Google đánh giá cao và đề xuất nhiều hơn đến người dùng.
Tại sao cần có Content Pillar?
Phần khái niệm ở trên cũng đã giúp bạn hiểu được ít nhiều về tầm quan trọng của Content Pillar. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc giúp Website nhìn có vẻ gọn gàng, Content Pillar còn đem lại những lợi ích to lớn hơn cho thương hiệu.
Đầu tiên, Content Pillar giúp người xây dựng chiến lược xác định được đâu là chủ đề quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu của thương hiệu thay vì phân bổ nguồn lực một cách lan man và thiếu trọng tâm, khiến nội dung tạo ra không đem lại hiệu quả.
Ví dụ như một thương hiệu chuyên về sản phẩm dinh dưỡng nên tập trung vào các nội dung về sức khỏe, y tế thay vì các kiến thức về thời trang hay âm nhạc.
Khi đã xây dựng Content Pillar thành công, việc lên kế hoạch đăng bài sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều vì bạn đã biết sẵn mình cần viết về những nội dung gì. Như vậy, bạn có thể kiểm soát lịch đăng bài một cách chủ động và có chiến lược.
Ngoài ra, Content Pillar giữ chân người dùng bằng cách giúp bạn đi sâu vào từng ngách nội dung, phát triển thêm nhiều ý tưởng để kênh có nội dung xuyên suốt, thống nhất và không bị ngắt quãng. Chẳng ai muốn ghé thăm một Website mà chỉ lèo tèo vài bài viết với nội dung nhàm chán phải không nào?
Đối với SEO Marketing, Content Pillar giúp nội dung của bạn hiển thị với thứ hạng cao hơn trên Google nhờ sự rõ ràng và dễ hiểu, từ đó tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Content Pillar đặc biệt hữu ích và giúp tiết kiệm công sức, thời gian khi bạn cần phân phối nội dung trên các kênh khác nhau.
Một số thuật ngữ cần biết khi xây dựng Content Pillar
Topic Cluster và Subtopic là hai thuật ngữ thường được nhắc đến khi xây dựng Content Pillar.
Topic Cluster
Là tập hợp các nội dung về một chủ đề nhất định và có tính đồng nhất. Mỗi Topic Cluster bao gồm một Content Pillar và Subtopic (chủ đề phụ) và nhiệm vụ của Topic Cluster chính là giúp hai yếu tố trên được liên kết với nhau một cách chặt chẽ, giúp nội dung trên Website được triển khai xuyên suốt và không bị ngắt quãng.
Subtopic
Subtopic được hiểu đơn giản là những chủ đề được phát triển thêm sau khi có cột chủ đề chính. Subtopic có vai trò phát triển nội dung một cách chuyên sâu, cụ thể giúp Website của bạn được Google đánh giá cao hơn vì lượng thông tin đầy đủ và có chuyên môn. Từ đó, thứ hạng tìm kiếm của Website sẽ được nâng cao.
Cả 2 yếu tố Topic Cluster và Subtopic đều có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển Content Pillar sâu sắc và có sự đồng nhất, một mặt giúp Google nhanh chóng tìm ra thông tin mà người dùng đang tìm kiếm, mặt khác giúp Website có độ sâu về mặt thông tin chuyên môn.
Phân loại Pillar Page
Để xây dựng “xương sống” cho chiến lược nội dung hiệu quả, hãy cùng Marhub tìm hiểu xem có những loại Pillar Page nào và đâu là phân loại phù hợp cho Website của bạn.
X10 Pillar Pages (Pillar Pages với nội dung x10)
Đúng như tên gọi, nội dung x10 là những nội dung đem lại kết quả tốt hơn 10 lần so với kết quả được đánh giá cao nhất với các từ khóa cụ thể.
Loại Pillar Pages này giúp các chủ đề trong chiến lược nội dung của bạn được khai thác kỹ lưỡng hơn dưới góc nhìn của một chuyên gia có chuyên môn cao. Ngoài ra, với Pillar Pages nội dung x10, bạn có thể nhắm đến các từ khóa đa dạng nằm trong cùng một chủ đề.
Marhub đề xuất cho bạn một số tiêu chí để kiểm soát Pillar Pages có nội dung x10 như sau:
- Trải nghiệm của người dùng trên trang Web và di động có ổn định hay không?
- Chất lượng hình ảnh, nội dung có được tối ưu và cung cấp kiến thức cho người đọc hay không?
- Tính xác thực của thông tin có khiến người đọc hài lòng?
- Nội dung nên đánh vào tâm lý của người dùng, tạo nên những cảm xúc như hồi hộp, hứng thú hay phẫn nộ
- Nội dung nên tập trung nghiên cứu và phân tích cụm chủ đề một cách đa chiều và có chiều sâu
Subtopic Pillar Page (Trang trụ cột của Subtopic)
Subtopic Pillar Page có chức năng cung cấp những giải pháp phụ thay thế cho chủ đề trụ cột để hoàn thiện nội dung một cách toàn diện và chất lượng cho người dùng.
Để đảm bảo tính toàn diện và chất lượng nội dung, Subtopic Pillar cần định vị tác giả nội dung là những người thực sự có chuyên môn để đem đến cho người đọc những thông tin thực sự có ích và giải quyết được vấn đề của họ.
Resource Pillar Page
Khi sắp xếp giá sách, bạn có thói quen đặt các cuốn sách có cùng chủ đề ở gần nhau hoặc xếp riêng một ngăn để thuận tiện cho việc tìm kiếm hay không? Tương tự, đối với SEO Content, các liên kết trong và ngoài sẽ được các SEOer phân chia và sắp xếp thật khoa học để giúp người dùng tìm được nội dung cần khai thác một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Vì vậy, nguồn tài nguyên của trang trụ cột khi được sắp xếp hợp lý có tác dụng rất lớn trong việc thu hút lượng người đọc lớn cho Website của bạn.
6 bước tạo Content Pillar hiệu quả
Khi đã có những kiến thức cơ bản về Content Pillar, bạn có thể bắt tay vào xây dựng để tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm thực tế qua 6 bước đơn giản sau.
Bước 1: Xác định chủ đề chính
Để tạo được Content Pillar hiệu quả, trước hết bạn cần xác định đúng chủ đề cốt lõi mà thương hiệu muốn nhắm đến. Để xác định được chủ đề, cần thực hiện nhiều công đoạn nghiên cứu và thử nghiệm tính hiệu quả. Các yếu tố mà bạn cần chú ý đó là đối tượng khách hàng của mình là ai, điểm mạnh, điểm yếu của thương hiệu là gì…
Một trong những tiêu chí bắt buộc của chủ đề là phải bao gồm các giá trị có thể bổ trợ và tôn vinh sản phẩm hay dịch vụ của thương hiệu. Ngoài ra, chủ đề cũng có thể cung cấp giá trị về kiến thức để thu hút sự ghé thăm của các đối tượng tiềm năng.
Đặc biệt, chủ đề được chọn cần đảm bảo đủ sâu rộng để có thể phát triển xuyên suốt các nội dung trên Website mà không bị chững lại. Một chủ đề hợp lý có thể được khai thác từ 20 đến 30 bài viết.
Một trong những cách đơn giản để tìm được chủ đề thu hút đó là dựa vào các công cụ tìm kiếm để xác định thứ khách hàng đang tìm kiếm. Từ đó, Website có thể xây dựng Content Pillar với chủ đề liên quan đến các kết quả đó. Ngoài ra, “thăm dò” đối thủ cũng là ý tưởng không tồi để tìm ý tưởng và tránh được những chủ đề kém hiệu quả của họ.
Bước 2: Triển khai Topic Cluster, Subtopic và các ý cụ thể
Sau khi đã chọn được chủ đề cốt lõi, bạn có thể bắt tay vào tạo các cụm chủ đề và chủ đề phụ liên quan đến chủ đề chính. Ở bước này, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của các phần mềm chuyên dụng để tìm kiếm từ khóa hoặc học hỏi kinh nghiệm từ phía đối thủ.
Bước 3: Xây dựng Content Pillar Page
Khi tạo Content Pillar Page, để giúp người dùng có thể thuận tiện tìm được thứ họ cần, bạn cần phải xây dựng một bản đồ nội dung thật khoa học và dễ sử dụng. Trong đó, một số điều cần lưu ý khi xây dựng Content Pillar Page có thể kể đến như:
- Phần mục lục dẫn liên kết đến các tiêu đề nhỏ sẽ giúp người đọc có cái nhìn bao quát về nội dung và dễ dàng theo dõi hơn.
- Nên tận dụng cả nguồn liên kết nội bộ và liên kết bên ngoài để nội dung được chi tiết và đầy đủ hơn.
- Các nội dung chính của Content Pillar nên được thiết lập và phân cấp với các cấp độ khác nhau như: Tiêu đề, thẻ H1, H2, H3…
- Thiết kế Pillar Page có nút quay lại đầu trang sẽ hỗ trợ và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho khách hàng.
- Hình ảnh được sử dụng nên có kích thước phù hợp để tối ưu chất lượng.
- Content Pillar Page nên bao gồm biểu mẫu để người dùng có thể để lại thông tin cũng như biết cách liên hệ với chủ kênh khi có thắc mắc hoặc yêu cầu.
- Nút Call to Action cực kỳ hữu ích và cần thiết để thúc đẩy hành vi của khách hàng.
Bước 4: Sáng tạo và hoàn thiện Content Pillar
Bước tiếp theo quan trọng không kém đó là “chăm sóc” cho Content Pillar của bạn. Đối với nội dung trên Content Pillar, các trang đích phải được đầu tư chất xám nhiều hơn với những yêu cầu về độ dài, chất lượng phải khắt khe hơn so với các nội dung thông thường. Cần phải lưu ý rằng, khi người đọc nhìn thấy được tiềm năng và ích lợi trên Website của bạn, họ mới quyết định dành thời gian ghé thăm Website nhiều hơn.
Sau đó, để Content Pillar có nội dung sâu sắc và thể hiện được chuyên môn cao, bạn cần khai thác triệt để các khía cạnh của chủ đề và câu hỏi được người dùng tìm kiếm. Sử dụng các liên kết điều hướng từ Website của bạn đến Website khác với các nội dung liên quan cũng là một phương thức hiệu quả để thu hút đối tượng.
Bước 5: Giúp thành phẩm được biết đến nhiều hơn
Sau khi đã hoàn thành các bước trên và tạo được Content Pillar hoàn chỉnh, bạn cần đưa ra chiến lược làm thế nào để Content Pillar của mình được nhiều người biết đến hơn. Một số phương thức thông dụng có thể kể đến như chạy quảng cáo trên Google, Facebook…; sử dụng các kênh mạng xã hội; gửi email cho người dùng…
Bước 6: Cập nhật và nâng cấp Content Pillar thường xuyên
Để đảm bảo lượng khách hàng ổn định, giống như ví dụ cái cây được nhắc đến ở đầu, Content Pillar của bạn cần được “tưới nước” và “cắt tỉa” thường xuyên. Cụ thể, nội dung của bạn phải càng ngày càng sâu sắc và mang nhiều kiến thức bổ ích hơn. Dựa trên các phản hồi của người dùng, bạn cũng có thể phát hiện ra những lỗi và hạn chế của Website và cải thiện chúng. Tuy nhiên, việc sửa chữa cần phải thật cẩn thận và có chọn lọc để giữ đúng hướng đi đã định sẵn của nội dung.
Content Pillar luôn được xem như xương sống và quyết định phần lớn sự thành công của chiến lược nội dung. Vì vậy, tìm hiểu về Content Pillar là một trong những bước quan trọng mà bất cứ SEOer nào cũng cần làm trước khi thực hiện một dự án. Hy vọng với những kiến thức bao quát trên, bạn có thể nắm được những khái niệm liên quan đến Content Pillar và xây dựng cho mình một trụ cột nội dung thật vững chắc.